Wednesday, March 11, 2015

Vì sao Apple định hướng MacBook là một dòng máy mới, và số phận của MacBook Air sẽ như thế nào?

Screen Shot 2015-03-10 at 6.44.20 PM.
Apple đã làm bất ngờ rất nhiều người với chiếc MacBook mới với thiết kế rất mỏng, kích thước nhỏ gọn và cùng với đó là màn hình Retina. Thông thường, Apple chỉ thực sự mang những cái mới mẻ, sáng tạo của họ lên với dòng Pro trước, rồi sau đó sẽ áp dụng cho dòng Air. Tuy nhiên lần này, Apple đã quyết định tạo nên bước đột phá với việc tạo ra một dòng notebook mới gọi là “MacBook” (Apple không dùng từ Air) với kiểu dáng hoàn toàn mới.

Khi mới ra mắt, nhiều người trong chúng ta đã lầm tưởng Apple làm mới dòng Air hiện giờ, nhưng thực chất là họ đang tạo ra một hướng mới. Vậy lý do tại sao Apple làm việc này, và liệu MacBook Air sẽ chết trong tương lai?

Số phận của MacBook xưa / nay và MacBook Air hiện giờ

macbook_air_yosemite.
Trước năm 2008, thế hệ máy tính xách tay của Apple chỉ có hai dòng đó là: MacBook và MacBook Pro. MacBook được Apple định giá rẻ hơn vì nhiều yếu tố: chất liệu nhựa (chỉ riêng phiên bản cuối năm 2008 là được làm bằng nhôm nguyên khối), cấu hình thấp hơn. Nhìn chung, MacBook là chiếc notebook thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm thử hệ điều hành OS X mà không muốn phải bỏ ra quá nhiều tiền.

Tuy nhiên vào năm 2008, Apple cũng lại tạo nên một điều bất ngờ khác với dòng Air hoàn toàn mới. MacBook Air lúc bấy giờ đã khiến cho cả ngành công nghiệp kinh ngạc với độ mỏng, trọng lượng của một chiếc laptop, và chính Air của Apple đã khai sinh ra một khái niệm mới gọi là “ultrabook”. Có thể nói, MacBook Air là sản phẩm trung gian của Apple, nó ít mạnh mẽ hơn so với MacBook và MacBook Pro, nhưng lại mang kiểu dáng hiện đại, thiết kế cao cấp từ “người anh” dòng Pro.

Đến lúc này, Apple nhận ra rằng dòng MacBook hiện tại đã quá lỗi thời với kiểu dáng, trong khi đó MacBook Air thì như “con gà đẻ trứng vàng” cho Apple ở mảng laptop. Thời lượng pin lâu, trọng lượng nhẹ, kiểu dáng đẹp đã làm lu mờ đi yếu điểm duy nhất đó là: bộ vi xử lý yếu hơn. Cuối cùng, Apple quyết định khai tử dòng MacBook vào năm 2011.

Bước ngoặc lớn tiếp theo đó là khi Apple ra mắt MacBook Pro với màn hình Retina. Việc đưa màn hình độ phân giải siêu cao lên laptop đã làm cho khoảng cách giữa MacBook Pro và MacBook Air ngày càng xa hơn: Air dành cho những ai thích sự tiện lợi, và Pro dành cho những người có nhu cầu cao trong việc xử lý các tác vụ phức tạp.

Thế nhưng Apple hiểu được rằng: Pro vẫn là Pro, vẫn là một chiếc máy nặng và cồng kềnh hơn so với Air - mặc dù hãng đã cố gắng làm mỏng đi đáng kể chiếc Pro 15-inch và 13-inch, còn Air thì màn hình chất lượng kém hơn. Trong khi đó nhu cầu người dùng thì ngày một “tiên tiến hơn”: người ta bắt đầu mong muốn một chiếc notebook nhỏ gọn và tiện lợi như Air, nhưng phải có màn hình Retina xuất sắc như dòng Pro. Apple biết và họ quyết định mở ra một dòng mới, hay có thể gọi là mang trở lại dòng MacBook họ đã từ rũ bỏ trước đây.

MacBook Air giờ đây như dòng MacBook ngày xưa, còn MacBook ngày nay thì lại là một chiếc MacBook Air hoàn toàn mới

Nếu đọc toàn bộ đoạn trên thì các bạn sẽ nhận ra rằng câu đó khá hợp lý:
Từ năm 2008: MacBook -> MacBook Air -> MacBook Pro
Năm 2015: MacBook Air -> MacBook -> MacBook Pro

Lúc này sẽ có nhiều bạn thắc mắc liệu Apple một lúc nào đó sẽ khai tử MacBook Air hiện giờ, và tại sao họ lại tạo riêng ra một dòng MacBook mới? Câu trả lời thực chất cũng đã nằm ở phần trên, MacBook mới vẫn có một cái giá quá mắc so với những ai cần một chiếc notebook chạy OS X chỉ để làm việc nhẹ, hoặc chỉ muốn tìm hiểu thử nền tảng của Apple. Liệu các bạn có chịu bỏ ra từ 1.299$ để mua một chiếc MacBook mới về trải nghiệm cho vui?.

Chưa hết, với những ai dùng laptop Windows thông thường như nhiều bạn sinh viên chẳng hạn, khi họ chuyển qua nhìn MacBook Air họ vẫn sẽ thấy chất lượng màn hình của nó ở mức tốt, không có gì đáng phàn nàn - có chăng thì trước đó họ đã dùng MacBook Pro Retina một thời gian mới cảm thấy khó chịu.

Ngoài ra hoàn cảnh của MacBook Air hiện giờ khác với MacBook cũ. MacBook Air giờ đây vẫn là một chiếc máy đáng giá bởi độ tiện lợi, thiết kế cao cấp cùng với đó là thời lượng pin lâu. Trong khi đó, ngày xưa thì chiếc MacBook cũ ngoài mạnh hơn thì nó thua thiệt hoàn toàn về kiểu dáng, quá cũ - lỗi thời - cồng kềnh. Chính vì vậy việc Apple khai tử MacBook Air là điều khó có khả năng xảy ra.

Tại sao Apple lại tạo ra dòng MacBook mới?

Thoả mãn nhu cầu từ người dùng

2994465_tinhte_the_new_MacBook_Retina_12_2015_4.
Nhỏ gọn, mỏng, pin lâu như Air và có một màn hình xuất sắc của MacBook Pro - Apple đã kết hợp mọi thứ vào chiếc MacBook mới, và đó cũng là những gì mà người dùng MacBook Air hay thậm chí là MacBook Pro hiện giờ đang mong đợi. Với những ai đã quen với màn hình Retina trên MacBook Pro sẽ nhận ra rằng màn hình của Air thực sự cần được nâng cấp, mình và nhiều người cảm thấy thực sự khó chịu khi quay trở lại nhìn màn hình của Air hay MacBook Pro thường.

Thực tế trước đây đã có rất nhiều người mong đợi về một chiếc "Air Retina" nhưng họ nghĩ rằng sẽ thực sự khó để MacBook Air có màn hình Retina bởi như vậy thì thời lượng pin sẽ bị giảm sút đáng kể, không đạt hiệu năng cao như các thệ hệ bây giờ. Tuy nhiên, Apple đã chứng minh điều đó là sai khi với MacBook mới, họ đã đưa ra phương pháp thiết kế lại pin theo kiểu "xếp lớp".

Và kết quả là chúng ta có một chiếc MacBook mới là sự kết hợp hài hoà giữa Air và Pro.

Kỳ vọng về tương lai "không còn nhiều cổng kết nối"

[​IMG] ​

Thông điệp khá rõ ràng mà Apple muốn truyền tải qua MacBook mới đó chính là “tương lai notebook không cần đến các cổng kết nối nữa”. Cổng USB-C duy nhất sẽ đóng vai trò là giao tiếp cho mọi kết nối của MacBook 12": từ sạc pin, trao đổi dữ liệu (USB 3.1 gen 1 và Thunderbolt), kết nối màn hình (Thunderbolt kiêm mini DisplayPort 1.2, HDMI/DVI/VGA).

Và tất nhiên để kết nối với nhiều thiết bị ngoại vi khác thì Apple buộc bạn phải bỏ thêm tiền để mua phụ kiện. Nhiều người cho rằng Apple đang muốn “moi tiền” từ khách hàng, nếu cảm thấy bất tiện và suy nghĩ như vậy thì chúng ta nên cứ vui vẻ với các thế hệ MacBook Pro hay Air hiện tại. Nhưng nếu nghĩ xa hơn các bạn sẽ thấy Apple thực sự đang muốn tạo ra một tương lai “không dây”.

MacBook Pro thể hiện quan điểm dứt khoác của Apple trong việc chuyển sang dùng kết nối không dây

Apple trong nhiều năm qua đã phát triển không ngừng nghỉ tạo ra các phương thức trao đổi dữ liệu, tương tác các thiết bị nội bộ một cách tốt nhất như: AirDrop, Handoff hay Continuity. Tất cả đều hướng đến tương lai không cần phải nối smartphone vào máy tính để lấy dữ liệu, rất rườm rà và mất thời gian.

Thực chất trước đây Apple cũng đã mạnh dạn thực hiện điều tương tự: đó là bỏ cổng Ethernet và ổ đĩa quang trên dòng MacBook Air, sau đó áp dụng luôn cho MacBook Pro. Và đến bây giờ, chúng ta thấy rằng cả hai thật cồng kềnh khi mang lên một chiếc laptop nhỏ gọn. Biết đâu điều tương tự sẽ xảy ra với cổng USB hiện nay?

Lời đáp trả với những chiếc laptop lai

Những laptop lai có khả năng chuyển thành một chiếc tablet nhờ vào màn hình cảm ứng, và có thể gập ngược lại 360 độ. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tính thực dụng của chiếc tablet đó ở khía cạnh nào? Người ta không thể nào mang một chiếc tablet nặng cả ký, đồng ý là khi bạn làm việc thì sẽ chuyển qua chế độ laptop, nhưng khi chuyển qua tablet thì bạn có vui vẻ nhấc nó lên đọc sách như những tablet thuần hiện giờ - trừ khi bạn muốn tập cơ tay.

Apple biết rằng xu hướng laptop lai là có, nhưng hãng muốn tiếp cận nó với phương pháp khác. Apple không muốn chiếc MacBook mới của mình bẻ gập 360 độ ra sau để thành tablet - cơ bản một phần là vì màn hình của nó không có cảm ứng. Thứ họ muốn là gì? Đó là một chiếc laptop có kích thước nhỏ gọn như tablet, độ nặng chênh lệch với tablet là chấp nhận được (với 900g - chỉ nặng hơn iPad thế hệ đầu một chút, và nặng gấp hai lần iPad Air, nên nhớ là ta đang so laptop với tablet).

Hơn nữa, thay vì tạo ra một chiếc tablet lớn, Apple quyết định cho ra MacBook mới nhỏ gọn nhưng vẫn có phím đầy đủ, chạy OS X, màn hình Retina và vi xử lý Intel Core M - những điều không thể nào mang lên một chiếc tablet. Apple biết rằng người dùng cần một chiếc laptop nhẹ và gọn như tablet, chứ không cần một chiếc tablet siêu to, siêu cồng kềnh trong trường hợp của laptop lai.

Nhìn chung, MacBook mới của Apple ngoài việc thoả mãn sự mong chờ của người dùng, nó còn mang rất nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng về một “tương lai không còn nhiều cổng kết nối”, kỳ vọng về các thế hệ notebook siêu nhỏ gọn với chất lượng phần cứng cao cấp. Những sự kỳ vọng đó liệu có quá sớm và quá vội vã hay không, hãy để thời gian và Apple chứng minh!

0 comments:

Post a Comment